Chuyện về ghế đá lớn nhất Hà Nội
11/08/2017
0 Comments
admin
Ai đã đến thăm Hà Nội, đến thăm Hồ Gươm đều ít nhất một lần ngồi trên ghế đá ngắm Tháp Rùa cổ kính soi bóng xuống mặt hồ trong xanh.
Thế nhưng, có một chiếc ghế đá nằm trên đường Lê Thái Tổ trông ra Tháp Rùa có tuổi đời trên trăm năm nay và được xem là chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội thì không phải ai cũng biết….
Chiếc ghế đá có chiều dài 2m, ngang 80cm, riêng mặt ghế đã dày tới 15cm, lớn hơn rất nhiều so với chiếc ghế đá thông thường. Kích thước này tương đương kích thước của một tấm phản gỗ vẫn được kê ở gian giữa của các gia đình nông thôn. Chân ghế là hai khối đá xanh nguyên khối, được tạo tác hình chữ H cách điệu với những đường nét hết sức mềm mại. Mỗi chân ghế cao 60cm, ngang 30 cm, kiên cố và chắc chắn. Chiếc ghế là một tấm đá liền nguyên khối không có vai tựa phía sau.
Mặt ghế có màu tím than rất bóng bẩy. Đây là màu mà nhiều người nghệ sĩ từng cho là sắc màu của thời gian.
Chiếc ghế đá đã đi vào trong tâm tưởng của người dân Hà Nội như một cái gì đó thân thiết, thiêng liêng.
Đã mấy chục năm rồi, ông Trần Văn Hà (phường Hàng Trống) ngày nào cũng ra ngồi trên chiếc ghế đá này ngắm Tháp Rùa và cảnh người đi lại. Theo ông thì chiếc ghế đá này có lịch sử từ lâu lắm rồi. Có người bảo: nó phải có từ thời vua chúa bởi lẽ chiếc ghế đá chỉ cách tượng đài Lê Thái Tổ chừng trăm năm bước chân.
Lý do này xem ra thiếu thuyết phục nhưng cũng đủ cho thấy, chiếc ghế đá đã đi vào trong tâm tưởng của người dân Hà Nội như một cái gì đó thân thiết, thiêng liêng…
Theo nhà văn Băng Sơn thì khoảng 20 năm về trước, ở một số công viên của Hà Nội và quanh hồ Hoàn Kiếm có khá nhiều ghế đá được làm từ thời Pháp rất đẹp. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì những chiếc ghế đá tựa như những “chiếc bàn” xinh xắn ấy đã không còn tồn tại. Chỉ còn chiếc ghế này sót lại, nằm phía trước tòa nhà khách sạn Phú Gia xưa.
Nhà văn Tô Hoài cho biết: Vỉa hè ở các phố Ngô Quyền, Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài, hay Nguyễn Xí, Đinh Lễ, đầu vỉa hè còn bọc đá xanh. Đấy là vỉa hè xưa, vỉa hè đầu tiên của Hà Nội. Đá bọc vỉa hè là đá lấy từ núi Thầy, núi Trầm.
Cụ ông này ngày nào cũng ra chiếc ghế đá đặc biệt để ngắm cảnh Hồ Gươm
Lý do dùng đá ốp vỉa hè thì cũng đơn giản thôi, vì dạo ấy ta chưa có lắm xi-măng. Và biết đâu đấy, chiếc ghế đá kia cũng có nguồn gốc từ núi Thầy, núi Trầm cũng nên…
Một điều đặc biệt nữa là chiếc ghế đá nằm ngay trước Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Ngôi nhà này được xây từ những năm 1910 vốn là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức những năm đầu thế kỷ trước, nơi các trí thức Hà Nội sinh hoạt tập thể, giao lưu, đàm luận, diễn thuyết. Đây cũng là trụ sở đầu tiên của Quốc Hội khóa I nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa sau ngày tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên năm 1946.
Sau 1954 tòa nhà được dành làm câu lạc bộ Thống Nhất – nơi sinh hoạt của các cán bộ miền Nam tập kết.
Thủơ sinh thời, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng đã từng ngồi trên chiếc ghế đá màu đen bên Hồ Gươm ngắm cảnh hoàng hôn buông trên tháp rùa.
Chỉ còn hơn trăm ngày nữa, Hà Nội sẽ bước qua thời khắc nghìn năm tuổi. Và chiếc ghế đá kia, dẫu nhỏ nhon giữa lòng Hà Nội tấp nập và náo nhiệt, vẫn đứng đó như một nhân chứng thầm lặng chứng kiến bao thay đổi của thủ đô, ẩn chứa trong mình bao dấu tích của thời gian…